BÌNH HOA MÀU XANH NGỌC
Ai tiếp xúc với cô cũng nhận xét: cô đẹp nhưng quá lạnh lùng. Suốt hai mươi năm qua, Hân không cho bất cứ người đàn ông nào có cơ hội hiểu và chinh phục. Cô một mình nuôi con, lặng lẽ đi qua những thị phi của cuộc đời
***
Chị đang lướt mạng xem giới thiệu về mấy trường đại học sáng giá hiện nay thì con trai chạy vào phòng, ôm lấy mẹ thủ thỉ:
- Mẹ ơi! Hôm nay, con đăng ký thi vào trường đại học kiến trúc rồi mẹ ạ!
- Cái gì? Con nộp hồ sơ chưa? Sao không nói với mẹ mà tự quyết định thế?
- Thì hôm trước con hỏi, mẹ chẳng bảo tùy ý con còn gì!
Mồ hôi chị bỗng dưng vã ra. Chị ngẩn người nhớ hôm đang bàn chuyện ký hợp đồng với tay giám đốc công ty tổ chức sự kiện thì con trai có xuống nói gì đó. Đang bận nên chị chỉ à ừ cho qua. Con trai thấy mẹ như vậy ngạc nhiên:
- Mẹ, mẹ sao thế? Để con đi lấy cho mẹ cốc nước mát.
- À, không... không có gì. Mấy hôm nay công việc nhiều nên mẹ hơi căng thẳng. Mẹ xin lỗi, con về phòng học bài đi, mẹ nghỉ một lát sẽ đỡ thôi.
Con trai đi rồi, chị lặng lẽ bước về cuối phòng, lấy chìa khóa mở ngăn tủ nhỏ kín đáo. 20 năm nay, chị cất giữ kỹ những kỷ vật riêng ở đó như muốn chôn chặt quá khứ của mình. Bên trong tủ là bức tranh cuộn tròn và một bình hoa đã cũ. Chị ngắm lại bức tranh. Đó là chân dung thiếu nữ độ chừng 18 đôi mươi. Khuôn mặt cô không có vẻ xinh đẹp gì nổi bật để người xem chú ý ngoài mái tóc vàng lưa thưa, đôi mắt ướt với chiều sâu nỗi buồn thăm thẳm. Có lẽ điểm cuốn hút nhất ở bức tranh chính là cô gái khỏa thân đang say sưa để tâm hồn mình bay lên với động tác múa nghệ thuật. Hai tay cô, một để trước mặt, một vươn ra phía sau tạo hình cánh chim. Thân hình cô uốn cong, khoe trọn những đường nét nõn nà, gợi cảm, săn chắc, đầy sức sống...
***
Đêm qua, Hân nhớ mình đã uống rất nhiều. Tỉnh dậy, người cô ê ẩm, miệng đắng ngắt. Rượu làm cho Hân chìm trong quay cuồng trước khi đi vào giấc ngủ để tạm thời quên đi nỗi đau. Nhưng cũng chính rượu đem đến cảm giác hụt hẫng, chênh vênh như thể xác đang không phải của mình lúc cô tỉnh lại. Hân thất tình. Sự kiện ấy đáng để giải sầu lắm chứ. Người mà cô yêu say đắm ngay từ khi bước vào cổng trường đại học, một anh lớp trưởng đa tài khóa trên đã chiếm lấy trái tim cô và rồi sau đó chơi trò "bắt cá hai tay". Nếu không phải Hân tình cờ phát hiện ra ngoài mình, hắn ta còn yêu một cô gái nữa, có lẽ cô vẫn bị lừa dối bởi vẻ hào hoa, ga lăng của hắn. Hân cùng Thơm- cô bạn thân và mấy người quen của nó đã có một buổi uống rượu, hát hò và nghe Hân khóc nhiệt tình. Tỉnh dậy, Hân thấy Thơm viết giấy để lại dặn dò đủ thứ, nào là phải ăn cháo nó đã mua, nào là phải nghỉ ngơi cho khỏe. Thơm đã làm đơn xin phép nghỉ học ở trường cho Hân vài ngày với lý do ốm. Hân ốm thật. Cô muốn nằm, ngủ một giấc dài và không phải tỉnh dậy nữa.
***
Hân gật đầu luôn khi anh Huy ngỏ ý mời cô và Thơm đi chơi ở làng gốm sứ Bát Tràng vào cuối tuần. Anh Huy (là bạn của bạn cái Thơm?)- người mà Hân chẳng buồn để ý xem mối quan hệ rích rắc nào dẫn tới việc hai người quen nhau. Anh là sinh viên năm cuối trường đại học kiến trúc. Dáng anh cao lêu đêu, mái tóc xoăn lúc nào cũng lòa xòa trước mặt. Da anh ngăm đen, cái miệng cười rất duyên. Anh Huy không chỉ giỏi mảng thiết kế kiến trúc công trình mà tài vẽ chân dung cũng rất đáng nể. Hôm ấy, Hân đã đồng ý làm mẫu để anh vẽ. Anh nói cô tùy ý lựa chỗ ngồi ở một hàng bất kỳ và xem bình hoa.
Hân mặc chiếc áo voan dài màu cốm, đội chiếc mũ rộng vành, ngồi xuống một bờ gạch cũ, tay cầm bình hoa màu xanh ngọc ngắm nghía. Phía sau cô, cả khoảng trời gốm sứ xếp thành từng tầng, từng lớp lung linh các sắc màu, như mở ra một không gian vô tận của sự trong trẻo, bình yên. Bình hoa Hân cầm trên tay không có họa tiết cầu kỳ mà láng bóng, ánh lên màu xanh mát giản dị. Phía trên cùng bình tạo hình uốn lượn như hai cánh tay khép lại. Chưa đầy 30 phút, anh Huy đã hoàn thành bức tranh. Nhóm bạn đi cùng anh ai cũng khen đẹp. Vẽ xong tranh, anh Huy mua tặng Hân bình hoa. Còn bức tranh, anh giữ làm kỷ niệm. Sau đợt ấy, Hân còn nhiều lần là người mẫu để anh vẽ. Có khi, Hân là cô gái mơ màng ngồi bên cửa sổ đọc sách, lúc lại hồn nhiên vui đùa giữa cánh đồng hoa sông Hồng, hay cô gái lặng lẽ đi trong mưa...
Rồi Hân yêu anh từ lúc nào chẳng rõ. Anh nhẹ nhàng, anh đằm thắm. Anh cho Hân sống mạnh mẽ và tự tin. Và cô sinh viên trường múa đã sẵn lòng trao tặng anh cả tâm hồn lẫn thể xác. Một lần, anh thức cả đêm để vẽ bức tranh Hân đang múa. Hân vẫn không quên, khi hoàn thiện, anh nhìn bức tranh rồi ôm cô vào lòng, mê đắm nói: Đây là bức anh ưng ý nhất trong cuộc đời cầm cọ. Cách Hân tạo dáng điệu múa, anh thấy như một thiên thần đang chuẩn bị cất cánh, chỉ có điều, mắt Hân buồn quá, lúc nào cũng ươn ướt. Nhưng sợ Hân dỗi, anh chống chế, giống như nụ cười bí ẩn của người phụ nữ Mona Lisa trong bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci, nỗi buồn nơi khóe mắt Hân chính là chiều sâu của bức vẽ. Bức chân dung ấy, anh tặng lại Hân. Anh nói, vì dáng vẻ của cô hôm ấy đã in vào trong tim anh, rất sâu, rất lâu rồi.
Hân chìm đắm trong hạnh phúc. Cô thấy mình yêu và được yêu mãnh liệt. Hân nhớ lại lần cô và anh tưởng tượng về tương lai của hai người khi kết hôn, cùng sống trong ngôi nhà cấp 4 qua bản thiết kế anh vẽ. Ngôi nhà giản dị, thoáng mát hướng ra đồng lúa, phía trong là vườn lưu ly tím bung nở - loài hoa Hân rất thích. Giữa khu vườn mơ mộng ấy, anh vẽ thêm chiếc xích đu, trên ấy có hai mẹ con ngồi vui đùa...
***
Lúc biết mình đã mang giọt máu của anh, Hân không ngại trưa nắng đạp xe hơn 10 cây số đến phòng trọ, muốn báo ngay tin này cho anh. Cửa phòng khóa trái, bà chủ nhà thông báo, toàn bộ tiền nhà anh thuê đã được thanh toán và đồ đạc đã được chuyển đi cách đây 1 tuần. Hân khuỵu xuống, khóc không thành tiếng.
Những tháng sau đó, Hân cứ ngóng, cứ mong anh nhưng bặt vô âm tín. Cô có dò hỏi khắp nơi nhưng không hề được tin tức gì ngoài việc anh đã dừng học giữa chừng ở trường. Có người còn bảo, hình như anh đã theo gia đình sang định cư ở nước ngoài. Anh bỏ rơi Hân ư? Cô ân hận, sao lúc yêu chỉ biết có yêu, chỉ láng máng anh quê ở Tuyên Quang mà chẳng hề hỏi han địa chỉ nhà anh ở đâu, số điện thoại liên lạc với gia đình thế nào? Hân lại nghĩ đến mẹ, nhớ quãng thời gian từ nhỏ đến lớn của mình vẫn bị mang tiếng là con hoang mà thấy mình kiệt sức. Cả đời bà, nhọc nhằn dành dụm nuôi Hân ăn học cho đến phút cuối rời cõi đời, chỉ mong một ngày con gái khiến mẹ mở mày, mở mặt. Dưới suối vàng, mẹ biết Hân rơi vào hoàn cảnh này, liệu có cảm thông không hay đang trách móc cô. Hân đã yêu gã người yêu cũ với tình yêu thơ ngây của một cô gái mới lớn để rồi bị phản bội. Gặp anh, cô tưởng mình đã tìm thấy bến đỗ của cuộc đời, nào ngờ! Hân căm hận đàn ông. Hân thấy họ giống nhau cả. Đều chứa trăm nghìn những bí mật, những điều giả dối đằng sau sự ngọt ngào, nồng thắm, chiều chuộng thủa ban đầu. Anh khác gì người yêu cũ của Hân. Không hơn, không kém. Cũng lợi dụng thân xác Hân đến lúc "bướm chán, ong chường" rồi rũ bỏ không hề vương vấn. Hân tưởng như nhìn thấy trước hình ảnh của mình lặp lại chính vết xe đổ của mẹ ngày nào.
Đứa con trong bụng đang lớn lên từng ngày đã tiếp sức cho cô vượt lên tất cả. Hân bỏ ý định tự tử và gắng gượng sống. Sau bao ngày tháng vất vả, Hân tìm được việc làm nhờ sự giúp đỡ của những người bạn. Từ một nhân viên làm thuê cho cửa hàng thời trang và trung tâm dạy múa nho nhỏ, giờ Hân đã là một nữ doanh nhân có tiếng trong giới kinh doanh thời trang. Ai tiếp xúc với cô cũng nhận xét: cô đẹp nhưng quá lạnh lùng. Suốt hai mươi năm qua, Hân không cho bất cứ người đàn ông nào có cơ hội hiểu và chinh phục. Cô một mình nuôi con, lặng lẽ đi qua những thị phi của cuộc đời.
***
Chị gấp lại bức tranh, ném nó vào tủ. Tay chị vô tình chạm vào bình hoa, bị vết sứt trên bình cứa ứa máu. Chị trân trân nhìn vào vết sứt. Bình hoa này trước đây là nơi bao bông hoa đẹp kiêu hãnh khoe sắc, nó đã tiếp thêm cho chị sức mạnh, niềm tin vào sự sống. Chị nhớ, sau nhiều ngày không có tin tức gì của anh, mà cái thai trong bụng mỗi ngày một lớn, chị đã cầm chiếc bình, giận dữ ném xuống sàn. Bình hoa lăn mạnh nhiều vòng và mắc ở chân giường. Khi bình tĩnh lại, chị nhặt lên, nhận ra nó chỉ bị sứt một mảnh nhỏ. Chị thấy mình trút giận vô cớ lên bình hoa xinh xắn. Và từ đó, chị giữ nó bên mình, như chưa hề quên nỗi đau anh đã để lại trong tim.
Con trai chị càng lớn càng giống bố. Đến năng khiếu vẽ và mong ước thi vào trường kiến trúc của nó cũng chẳng hề khác anh. Chị không trách con. Chỉ giận mình vẫn chưa quên được người xưa. Hận đấy, nói không tha thứ đấy nhưng cũng chính là để khẳng định chị không thể dứt được hình ảnh anh ra khỏi cuộc đời. Chẳng phải, chị vẫn nuôi một hy vọng, dù nhỏ nhoi, mỏng manh thôi, rằng một ngày anh sẽ tìm gặp lại mẹ con chị mà xin tha thứ hay sao? Chị ngồi bệt xuống sàn, để mặc cho những giọt nước mắt thi nhau rơi xuống.
***
Lễ ra mắt văn phòng công ty tư vấn, thiết kế kiến trúc công trình của con trai chị mở cùng một người bạn ở thành phố Tuyên Quang rất hoành tráng. Sau phần cắt băng khai trương, đông đảo quan khách đều có mặt dự bữa tiệc chiêu đãi. Cuối buổi, một ông già khoảng hơn 70 tuổi, mái tóc bạc kín đầu, thân hình cao, gầy tiến gần đến chị:
- Thưa chị! Chị là mẹ của kiến trúc sư An Bình phải không ạ?
- Vâng, chính tôi đây. Ông... ông là...
- Tôi cũng là kiến trúc sư của tỉnh Tuyên Quang. Tôi... tôi muốn nói chuyện riêng với chị một chút được không?
- ...
- Xin chị thông cảm cho tôi về câu hỏi vô duyên này. Bố cháu, bố cháu đang ở đâu mà không thấy xuất hiện trong buổi khai trương ạ?- Ông già run rẩy nói, cảm tưởng như không dám thở mạnh.
- Bố cháu... dạ, anh ấy... anh ấy mất lâu rồi! Chị nén tiếng thở dài.
Ông già lẩy bẩy mở ví, đưa chị xem tấm ảnh nhỏ. Chị không tin vào mắt mình nữa. Nếu bức hình không phải có màu đen trắng, nhiều chỗ đã ố, chị đã tưởng con trai chị chính là người đứng cạnh cái xe đạp kia. Chẳng lẽ... là anh sao! Ông già nhận thấy sự hoảng hốt, ngỡ ngàng của chị, liền nói:
- Tôi xin lỗi chị về sự đường đột này. Nhìn kiến trúc sư An Bình, tôi như thấy chính con trai mình lúc còn sống. Vẫn cái mũi cao, hếch, mái tóc lòa xòa, dáng đi nhanh như gió. Tôi cảm tưởng hình như...nó... nó... là... cháu nội tôi!
- Con trai ông? Anh ấy...
- Phải. Con trai tôi đã mất cách đây hai nhăm năm rồi.
Chị bị sốc. Tai ù đi khi nghe ông già kể. Hóa ra lần anh nói về quê giải quyết việc riêng ấy, chính là lần bố mẹ anh bàn việc cả gia đình sẽ định cư sang Mỹ. Anh dứt khoát từ chối và nói sẽ lập nghiệp ở quê hương, kết hôn với người yêu của mình. Nếu chuyển đi, phải để người yêu anh đi cùng. Gia đình anh rất cương quyết, họ không thể để cậu con trai coi thường cha mẹ mà tự làm theo ý mình. Nhất là việc anh yêu một cô gái mồ côi đang học trường múa. Ý kiến của anh bị phản đối dữ dội. Trong khi tức giận, anh phóng xe ào ra đường và đã bị chiếc xe tải đi ngược chiều cán phải. Mất người con trai duy nhất, bố mẹ anh vô cùng bàng hoàng và ân hận... Chị thấy mình nghẹt thở. Xung quanh chị như bao phủ một màu xám đen. Chị đau xót cho anh hay đang tự xỉ vả chính mình đã khoác lên người anh tội phụ bạc, ném vào anh biết bao lời cay nghiệt suốt mấy chục năm qua.
***
Chị đặt chiếc bình lên ban thờ, cùng con kính cẩn thắp hương. Hôm trước, chị cất công đi hàng chục cây số để nhờ một nghệ nhân gốm sứ khắc phục vết sứt trên bình hoa. Với bàn tay khéo léo, nghệ nhân ấy đã biến mảnh vỡ thành hình giọt nắng chảy dài trên thân bình. Chị thầm thì khấn: Xin lỗi anh! Mong anh hãy nhẹ lòng an nghỉ mà tha thứ cho em!
Lạy cha xong, kiến trúc sư An Bình quay lại ôm ông bà nội, mừng mừng, tủi tủi.
Nhìn con, chị khẽ mỉm cười. An Bình đã trưởng thành thật rồi. Ngước lên di ảnh anh, chị bỗng thấy dường như anh cũng đang cười...
Mai Linh Lan
No comments:
Post a Comment